Nội dung Kinh Thư

Nội dung chủ yếu của Kinh Thư là ghi chép lịch sử Trung Quốc thời thượng cổ, bắt đầu từ thời Nghiêu, Thuấn và kết thúc vào thời Tần Mục công, bao gồm ba triều đại Hạ, Thương, Chu. Nhượng Tống đánh giá Kinh Thư "là một cuốn sử cổ nhất nước Tàu, mà có lẽ cổ nhất cả thế gian"[10]. Trong tác phẩm Thượng Thư thông luận của Trần Mộng Gia, ở chương 1 đã thống kê trong 9 tác phẩm thời Tiên Tần bao gồm Luận ngữ, Mạnh Tử, Tả truyện, Quốc ngữ, Mặc Tử, Lễ ký, Hàn Phi Tử, Tuân Tử, Lã thị Xuân Thu có tổng cộng 168 chỗ trích dẫn từ Kinh Thư. Kinh Thư có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử và tư tưởng chính trị của Trung Quốc thời cổ đại.

Các thiên trong Kinh Thư có thể chia làm sáu loại:[31]

  1. Điển (典): chế độ kiến thiết của đời Đào Đường và Hữu Ngu. Bao gồm 2 thiên Nghiêu điển và Thuấn điển.
  2. Mô (謨): lời điều trần của quan đời Hữu Ngu. Bao gồm 2 thiên Đại Vũ mô và Cao Dao mô.
  3. Huấn (訓): lời khuyên bảo. Bao gồm thiên Y huấn là lời khuyên bảo của Y Doãn đối với Thái Giáp.
  4. Cáo (誥): lời răn bảo hoặc bố cáo ra khắp thiên hạ. Bao gồm 8 thiên, như thiên Đại cáo là lời bố cáo của Chu Công sau khi dẹp loạn "Tam giám" và tiêu diệt Vũ Canh.
  5. Thệ (誓): lời thề, khi dụng binh tức là bài hịch. Bao gồm 6 thiên, như thiên Tần thệ ghi lại lời thề của Tần Mục công.
  6. Mệnh (命): lời sắc mệnh của người trên ban khắp thiên hạ. Bao gồm 7 thiên như các thiên Duyệt mệnh, Vi Tử chi mệnh.
Nội dung Kinh Thư
Ngu thư
STTTên thiênNội dung
1Nghiêu điểnĐiển phạm, đức nghiệp của vua Nghiêu[32]
2Thuấn điểnĐiển phạm, đức nghiệp của vua Thuấn[33]
3Đại Vũ môMưu mô trị nước của đề nghị lên vua Thuấn[34]
4Cao Dao môMưu mô của Cao Dao kiến nghị với vua Vũ[35]
5Ích TắcMưu mô của ÍchTắc[35]
Hạ thư
STTTên thiênNội dung
6Vũ cốngVua trị thủy, phép cống phú của nhà Hạ, ghi chép về địa lý và sản vật[36]
7Cam thệLời thệ sư ở đất Cam khi vua Khải đi đánh họ Hữu Hộ[37]
8Ngũ tử chi caBài ca của năm người em khuyên can vua Thái Khang[37]
9Dận chinhDận hầu đi chinh phạt họ Hy và họ Hòa[38]
Thương thư
STTTên thiênNội dung
10Thang thệLời thề của vua Thang khi đem quân đánh vua Kiệt nhà Hạ[38]
11Trọng Hủy chi cáoLời ông Trọng Hủy giải thích hành động "cách mạng" của vua Thang[38]
12Thang cáoBá cáo của vua Thang sau khi diệt nhà Hạ[39]
13Y huấnLời Y Doãn dạy bảo Thái Giáp lúc mới lên ngôi[39]
14–16Thái Giáp thượng, trung, hạNhững lời Y Doãn khuyên vua Thái Giáp và những lời hối lỗi của Thái Giáp[40]
17Hàm hữu nhất đứcLời Y Doãn dặn bảo vua Thái Giáp trước khi ông về nghỉ[41]
18–20Bàn Canh thượng, trung, hạVua Bàn Canh dời đô về ấp cũ để lấy lại vương khí, giải thích và chỉ bảo cho nhân dân về việc dời đô[41]
21–23Duyệt mệnh thượng, trung, hạVua Vũ Đinh tìm được Phó Duyệt là người tài, trao quyền và nghe theo Phó Duyệt[42]
24Cao Tông dung nhậtCon vua Cao Tông can vua về việc tế cha đẻ long trọng hơn tế tổ tiên[43]
25Tây Bá kham LêChức bá miền Tây đánh nước Lê[44]
26Vi TửVi Tử định cứu vua Trụ nhưng không được[44]
Chu thư
STTTên thiênNội dung
27–29Thái thệ thượng, trung, hạLời răn quân sĩ của Chu Vũ vương khi đi đánh vua Trụ nhà Thương[44]
30Mục thệChu Vũ vương thệ sư ở cánh đồng Mục Dã[45]
31Vũ thànhBá cáo vũ công đánh Trụ đã hoàn thành[45]
32Hồng phạm9 phạm trù lớn về triết học, chính trị, đạo đức để trị nước (ngũ hành, ngũ sự, bát chính, ngũ kỷ, hoàng cực, tam đức, kê nghi, thứ trưng, ngũ phúc-lục cực)[46]
33Lữ ngaoLời can Chu Vũ vương đừng nhận chó ngao do nước Tây Lữ dâng cống[47]
34Kim đằngChu Công khấn tổ tiên, xin chết thay vua[47]
35Đại cáoBố cáo việc đánh dẹp hai người em làm phản (Quản Thúc, Sái Thúc)[48]
36Vi Tử chi mệnhCáo mệnh phong cho Vi Tử ở nước Tống[48]
37Khang cáoCáo mệnh phong Khang Thúc ở nước Vệ[48]
38Tửu cáoRăn Khang Thúc không nên uống rượu[49]
39Tử tàiLời vua Vũ vương khuyên Khang Thúc[50]
40Thiệu cáoThư của Thiệu công Thích báo cáo vua Thành vương về việc xây dựng kinh đô Lạc Ấp[50]
41Lạc cáoBố cáo việc định đô ở Lạc Ấp, cử Chu Công ở lại cai trị[51]
42Đa sĩChu Công kêu gọi các sĩ phu nhà Ân khi mới sang Lạc Ấp[52]
43Vô dậtChu Công khuyên Thành Vương chăm lo chính sự, chớ nên nhàn dật[53]
44Quân ThíchThiệu công Thích xin về hưu, Chu Công giữ lại[53]
45Sái Trọng chi mệnhCáo mệnh phong tước cho Sái Trọng, con Sái Thúc[54]
46Đa phươngLời bá cáo của Thành Vương sau khi diệt nước Yêm[54]
47Lập chínhThư của Chu Công khuyên Thành Vương[55]
48Chu quanLời vua Thành Vương huấn thị bách quan[56]
49Quân TrầnCáo mệnh phong cho Quân Trần giữ chức thay Chu Công mới mất[57]
50Cố mệnhLời vua Thành Vương dặn lại khi sắp mất[58]
51Khang Vương chi cáoChu Khang Vương trả lời Quân Trần[58]
52Tất mệnhKhang Vương ban sắc cho Tất công Cao ra trị đất Thành Chu[59]
53Quân NhaChu Mục vương sai Quân Nha làm chức Tư đồ, coi việc giáo dục[59]
54Quýnh mệnhCáo mệnh của Mục Vương sai Bá Quýnh làm chức Thái Bộc chính, tuyển dụng quan liêu[59]
55Lã hìnhLời vua Mục Vương sai Lã hầu công bố hình luật cho toàn dân[60]
56Văn hầu chi mệnhChu Bình vương sai Tấn Văn hầu làm chức Phương bá[61]
57Phí thệBá Cầm vua nước Lỗ thệ sư ở đất Phí khi đi đánh Hoài Di và Từ Nhung[61]
58Tần thệVua Tần Mục công hối lỗi về sai lầm trong hành động quân sự, thệ cáo với quần thần[62]

Các thiên trong Kinh Thư đều có nghĩa lý cổ xưa thâm thúy, khó đọc khó hiểu, trong đó thể cáo đặc biệt trúc trắc khó hiểu, mỗi lời mỗi chữ đều có nhiều cách giải thích khác nhau, Hán thư, Nho lâm truyện nói rằng: "Một bộ kinh có đến hơn trăm vạn lời giải thích"[63], ví dụ như bốn chữ "viết nhược kê cổ" (曰若稽古) có rất nhiều cách giải thích khác nhau, lên tới 3 vạn chữ[64], như Trịnh Huyền giải thích là: "Kê cổ nghĩa là theo đạo trời, nói phép tắc của vua Nghiêu giống như đạo trời"[65], Vương Túc giải thích là: "Khảo cứu phép cũ mà làm theo"[66]. Vì vậy Hàn Dũ trong Tiến học giải nói các thiên Chu cáo, Ân Bàn trúc trắc khó hiểu[67]. Khi Tư Mã Thiên viết Sử ký cũng đã dịch một đoạn Kinh Thư để đưa vào tác phẩm của mình, như trong thiên Nghiêu điển của Kinh Thư có câu "khâm nhược hạo thiên" (欽若昊天)[68], trong Sử ký, Ngũ đế bản kỷ được viết thành "kính thuận hạo thiên" (敬順昊天)[69]. Dương Hùng trong Pháp ngôn, thiên Vấn thần nói rằng: "Theo thuyết xưa Kinh Thư có khoảng 100 thiên [...] Ngu Hạ thư rộng lớn thay, Thương thư mênh mông thay, Chu thư chính trực thay"[70]. Vương Quốc Duy cho rằng gần một nửa Kinh Thư không thể giải thích được[71].

Ngu thư ghi chép lịch sử cổ đại của Trung Quốc thời Nghiêu, Thuấn. Cố Viêm Vũ trong Nhật tri lục, quyển 2 nói: "Nghi rằng thời cổ có Nghiêu điển không có Thuấn điển[72], có Hạ thư không có Ngu thư, mà Nghiêu điển cũng nằm trong Hạ thư"[73]. Nhật tri lục tập thích dẫn lời Tôn thị Chí Tổ nói rằng: "Xét trong Tả truyện, Văn công năm thứ 18 có nói rõ về Ngu thư, kể công lao của vua Thuấn là làm sáng rõ ngũ điển..., vậy sao lại nói chỉ có Hạ thư không có Ngu thư? Thiết nghĩ người xưa lấy hai điển (Nghiêu điển, Thuấn điển) làm Ngu thư, từ Đại Vũ mô trở xuống làm Hạ thư"[74]. Thiên Vũ cống trong Hạ thư ghi chép địa lý Trung Quốc sau khi vua trị thủy thành công, số người nghiên cứu thiên này rất nhiều, thiên Cam thệ xuất hiện trong sách Mặc Tử thời Chiến Quốc, Ngu thư cũng xuất hiện trong Tả truyện. Chu thư ghi lại các tư liệu quan trọng của nhà Chu trong những năm đầu lập quốc, phần nhiều là những ghi chép của chính bản thân Chu Công.

Mạnh Tử từng nói thiên Vũ thành trong Kinh Thư không thể tin hết được: "Trọn tin Kinh Thư chẳng bằng không có Kinh Thư. Trong thiên Vũ thành ta chỉ tin được hai ba đoạn mà thôi. Người có nhân thì vô địch trong thiên hạ. Lấy chí nhân đánh chí bất nhân, tại sao máu lại chảy đến mức trôi cả chày?"[75].

Có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu, chú thích Kinh Thư, như Thượng Thư khảo dị của Mai Trạc, Thượng Thư Cổ văn sớ chứng của Diêm Nhược Cừ, Cổ văn Thượng Thư khảo của Huệ Đống đều là những tác phẩm được lưu truyền đến ngày nay. Học giả đời ThanhTôn Tinh Diễn mất hơn 20 năm để hoàn thành tác phẩm Thượng Thư Kim Cổ văn chú sớ, là bản chú thích Kinh Thư khá tốt, Tôn Tinh Diễn còn cho rằng "chắc chắn còn nhiều chỗ thiếu sót sai lầm"[76]. Gần đây có Thượng Thư chính độc của Tăng Vận Càn và Đồng văn Thượng Thư của Mưu Đình cũng là những bản tốt. Tác phẩm Thượng Thư hiệu thích dịch luận của Cố Hiệt Cương và học trò của ông là Lưu Khởi Vu là một tập đại thành nghiên cứu về Kinh Thư.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kinh Thư http://news.tsinghua.edu.cn/publish/news/4204/2013... http://news.tsinghua.edu.cn/publish/news/4207/2011... http://www.tsinghua.edu.cn/publish/cetrp/6828/2015... http://paper.jyb.cn/zgjyb/html/2014-09/05/content_... http://news.sciencenet.cn/htmlnews/2011/1/242435.s... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://chinese.dsturgeon.net/text.pl?node=21030&if... http://www.gocnhin.net/cgi-bin/viewitem.pl?1066 http://www.yugyo.org/eng/thought/main41b_2.php?lan... http://hannom.org.vn/web/tchn/data/0501.htm